Tuổi thơ của tôi gắn liền với niềm háo hức chờ mẹ sau mỗi phiên chợ. Bóng dáng hiền hậu của mẹ cùng tiếng gọi dịu dàng: “Bé con của mẹ đâu rồi? Có quà nè!”. Món quà quê giản dị mộc mạc như vị dân dã trong bánh bột lọc, bánh khoai hay hương thơm nồng ấm của cháo bánh canh.
Ôi, những thức ngon ấy đã trở thành một phần trong những năm tháng bé thơ và dù đi xa đến đâu tôi cũng muốn trở về để được hít cái không khí yêu thương và nếm mùi vị quê hương ngọt ngào trên đầu lưỡi.
Từ lâu, chợ đã trở thành một phần trong văn hóa tinh thần của người Việt Nam bên cạnh giá trị kinh tế, Chợ Đồng Hới – Quảng Bình (nằm trên đường Mẹ Suốt) cũng là một phần trong số đó. Mỗi sản vật Quảng Bình là một câu chuyện của văn hóa dân tộc trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Ai đến Quảng Bình không thể không ghé chợ để tìm mua những đặc sản như mực khô, khoai deo hay tìm mua nguyên liệu về làm chắt chắt bánh tráng, sò điệp nướng mỡ hành, lẩu cá khoai, cá bống mủ,… cho bữa cơm gia đình đầm ấm.
Đặc biệt, địa điểm đầu tiên mà rất nhiều người bạn nước ngoài của tôi khi đến Việt Nam nghĩ đến chính là “chợ” vì họ xem đây là địa chỉ tìm hiểu nét văn hóa bản địa và nơi mua sắm thú vị.
Nhiều du khách ngoại quốc còn thích thú “trả giá” với các tiểu thương bằng giọng tiếng Việt bập bẹ xen lẫn những từ tiếng Anh cho những món đồ đặc sắc.
Tôi còn nhớ những giờ tan học, mấy đứa nhóc chúng tôi chạy ùa vào chợ giành nhau chỗ ngồi trong một quán ăn. Giá cả ở chợ bao giờ cũng bình dân mà mùi vị thì ngon hết biết.
Trong khi đó, người bán hàng đôn hậu lâu lâu lại hỏi:”Mấy đứa thấy có vừa ăn không?”. Cứ thế, chúng tôi cứ trò chuyện rôm rả trong khi thưởng thức các món ăn chân phương, mộc mạc mà đậm tình quê.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và chiến lược phát triển du lịch lâu dài của địa phương, các sản phẩm “đặc sản” đã đạt đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và niêm yết giá cả đầy đủ tại các gian hàng của chợ.
Một số đặc sản đã xuất hiện trong các siêu thị lớn ở Việt Nam hay trong một số hội chợ quốc tế nhưng nếu là người con Quảng Bình, ai cũng sẽ đến chợ và lựa chọn thức ngon cho người thân và bạn bè bốn phương.
Đến mỗi mùa Tết đến Xuân về, tôi và gia đình thường đến thăm Chợ Tết trên con đường Quách Xuân Kỳ chạy dọc sông Nhật Lệ kiều diễm. Đào, mai, cúc, trúc như đang ngỏ những lời chào cho một năm mới thành công và phước lành đến mỗi nhà.
Đâu đó thấp thoáng áo dài Việt Nam cùng nón lá trên những con phố Quảng Bình mang đến sắc hương cho mùa xuân của dân tộc, cho Tết của yêu thương. Tôi tin rằng mỗi người Việt Nam dù học hay sinh sống ở trời Tây hay một vùng đất nào trên thế giới, hoặc thậm chí sống ở Việt Nam cũng sẽ yêu thiết tha từng mảnh đất quê hương mình.
Và tôi một người trẻ được hưởng nền giáo dục hiện đại – trở về quê hương Quảng Bình mỗi dịp Lễ Tết để cho bản thân thêm một cơ hội hít tràn phong vị quê hương trong từng thớ thịt.