Ký ức về miền quê Quảng Bình trong tôi là những đồi cát trắng trải dài bất tận, cái nắng chang chang nhức óc của những ngày hè với từng đợt gió lào khô hanh đã trở thành thương hiệu. Thế mà ở cái nơi khô cằn, khắc nghiệt ấy, biết bao con người vĩ đại đã được sinh ra và trở thành biểu tượng của dân tộc.
Nhắc đến Quảng Bình, người ta không chỉ nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà vùng đất này còn gắn liền với hình ảnh của mẹ Suốt, bà mẹ Việt Nam anh hùng kiên cường bất khuất vang bóng một thời.
Nếu hỏi bất cứ một người dân Quảng Bình nào câu hỏi mẹ Suốt là ai, chắc chắn họ sẽ trả lời ngay với một niềm tự hào ánh lên trong đôi mắt: mẹ Suốt chở bộ đội qua sông. Hình ảnh ấy từ lâu đã trở thành một phần của vùng đất Bảo Ninh, quê hương mẹ nói riêng và cả Quảng Bình nói chung. Học sinh sẽ trả lời vanh vách, người già thì trầm ngâm kể lại câu chuyện.
Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt của đất nước, Quảng Bình là một trong những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất bởi bom đạn. Quân và dân Quảng Bình đã anh dũng, kiên trung chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Trong những năm tháng ấy, mẹ Nguyễn Thị Suốt 60 tuổi, quê ở Bảo Ninh đã trở thành một biểu tượng huyền thoại tượng trưng cho tinh thần bất khuất đó của dân tộc. Dưới làn mưa bom, bão đạn, mẹ vẫn hiên ngang chèo đò chở bộ đội. vũ khí và hàng hóa qua sông Nhật Lệ phục vụ cho cuộc kháng chiến.
Năm 1967, mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Ngày 13-10-1968, dưới sự bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ, mẹ đã hi sinh quả cảm trên dòng sông, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho quân dân khắp cả nước. Nhà thơ Tố Hữu trong một lần đến Quảng Bình và trò chuyện với mẹ Suốt đã sáng tác tác nên một trong những bài thơ nổi tiếng nhất về người mẹ Việt Nam anh hùng:
…Gan chi gan rứa mẹ nờ ?
Mẹ rằng: cứu nước mình chờ chi ai.
Chẳng bằng con gái con trai,
Sáu mươi có một chút tài đò đưa…
Năm 2003, tượng đài mẹ Suốt trang nghiêm được khánh thành bên bờ sông Nhật Lệ, cách bến đò xưa mẹ vẫn chở bộ đội qua sông 50m. Vẫn bóng dáng hiên ngang của mẹ bên mái chèo xưa giờ đây sừng sững giữa đất trời như để nhắc nhở cho các thế hệ con cháu sau này nhớ về một thời oanh liệt của đất nước. Bến đò và tượng đài mẹ Suốt không chỉ là một công trình lịch sử mà từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa của mảnh đất nhỏ bé này.
Tản bộ dọc con đường Quách Xuân Kỳ ôm sát dòng sông thơ mộng, nghiêng mình kính cẩn trước tượng đài mẹ Suốt ngay cạnh bến đò lịch sử năm xưa, du khách nào mà không khỏi bồi hồi, xúc động.
Đến với mảnh đất eo hẹp chia đôi đất nước ấy, không chỉ được tham quan những danh lam thắng cảnh có một không ai, thưởng thức nền ẩm thực thơm ngon, mộc mạc mà còn được lắng nghe những câu chuyện hào hùng để hiểu hơn về lịch sử của dân tộc, để biết ơn hơn những con người đã hi sinh thầm lặng cho ngày hôm nay.